LỰA CHỌN MÀU SẮC MÁI NHÀ THEO TUỔI VÀ MỆNH CỦA GIA CHỦ

Trong quá trình xây cất nhà, lúc lợp mái (dân gian gọi là cất nóc) có thể coi như hoàn thành cơ bản bộ khung. Nhà có bền vững và thuận lợi về phong thủy hay không, một phần cũng ở bộ mái. Như mọi thành phần khác khi xây dựng, mái nhà cũng có phần thô và phần hoàn thiện,  liên quan chặt chẽ với nhau và quyết định Hình Thế của ngôi nhà có hài hoà hay không.

Mái nhà Việt gắn kết thiên nhiên là hình ảnh biểu tượng cho tổ ấm an hòa

*An toàn và bền vững

Để bảo vệ phần trên của nhà, tạo sinh khí thông suốt từ trên cao xuống, khi làm mái cần theo nguyên tắc truyền thống là Bài Thủy - Cách Nhiệt - Triệt Lôi. Vai trò che chở và thoát nước của mái cần ưu tiên hàng đầu, phải tạo độ dốc thoát nước hợp lý ( Bài Thủy). Nếu là mái bằng cũng phải chú ý che một phần hay toàn phần bằng mái tôn hay ngói để giảm mưa nắng trực tiếp rất dễ gây ngấm dột. Cách Nhiệt cho mái tốt tức là giảm thiểu lượng nhiệt lưu lại trên và dưới mái, đồng thời phải phối hợp luôn cách nhiệt với chống thấm, ví dụ như làm sàn hai lớp kết hợp đổ đất trồng cây. Hoặc chọn tấm lợp phù hợp có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt.  Triệt Lôi là những giải pháp thu sét trên mái theo dây dẫn nối xuống cọc tiếp địa chôn sâu dưới đất, điều mà một số gia đình quên chú ý, nhất là khi nhà xây cao hơn so với các nhà xung quanh, hoặc nhà nông thôn trong khu vực trống trải.

Không gian dưới mái tương ứng với công năng sử dụng sẽ đạt yêu cầu Hình Thế tương thông.

Khi nhà lợp mái dốc, vật liệu lợp mái chính là lớp hoàn thiện ( ngói, tôn hay các tấm lợp khác ) tương tự như  cách thức làm nhà truyền thống. Phần trên mái thuần Dương, phần dưới mái thuần Âm, ngày nóng đêm lạnh, mưa nhiều gió mạnh… khiến bề mặt mái cần được chọn lựa kỹ vật liệu và cách thức thi công để đảm bảo khả năng ngăn chặn tác động xấu từ bên ngoài vào nhà. Ví dụ chọn tôn thì nên dùng loại có lớp đầy đủ các tính năng cách âm cách nhiệt, giảm mối nối gây thấm dột…sẽ hiệu quả và bền lâu. Tránh làm kiểu mái có quá nhiều ngóc ngách, tránh giao cắt nhiều góc mái phức tạp.

* Kiểu mái hợp nhà, hợp người.

Dù chọn lựa hình thức mái nào thì vẫn cần giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật và mỹ thuật song hành với các yếu tố về Phong Thủy theo nguyên tắc Hình Thế tạo nên Lý Khí. Kiểu mái, màu sắc mái trước tiên phải hợp với kiểu nhà ( về công năng và hình dáng bên ngoài), sau đó mới xét đến hợp với gia chủ, vì người cư ngụ chịu tác động của nội thất nhiều hơn. Do đó phong thủy xác định chọn màu sắc theo mệnh chủ và các thành viên gia đình ưu tiên chọn cho nội thất, ai hợp phòng nấy, phần không gian chung ( phòng khách, bếp ăn) chọn theo mệnh chủ nhân. Khi nhà đổi chủ có thể dễ dàng thay đổi màu sắc nội thất, còn cấu trúc bên ngoài ít bị ảnh hưởng.

Việc chọn lựa kiểu mái và vật liệu lợp nên bắt đầu từ phần thiết kế - tính toán theo phong thủy sao cho hợp với không gian trong lẫn ngoài nhà, gắn kết môi trường sống, cảnh quan chung chứ không đơn thuần là ý thích cá nhân.

Về hình khối bên ngoài, mỗi dạng mái đều tương ứng với hành nổi trội trong ngũ hành, như mái chóp nhọn hoặc hình thang tương ứng hành Hỏa, mái bằng ngang tương đương hành Thổ, mái uốn lượn nhấp nhô tượng trưng hành Thủy… Một số nhà có thể phối hợp nhiều hành trên mái, như Thổ - Kim ( có vòm cầu, cung tròn), hay Hỏa - Mộc ( mái có trồng cây, giàn leo, lam che). Trong từng loại mái và vật liệu cụ thể lại phân ra hành gì theo nhóm màu gì, ví dụ như mái tôn xéo thuộc Hỏa nhưng tôn màu xanh dương thỉ có them yếu tố Thủy để khắc bớt Hỏa vượng, giảm cảm giác nóng nực.

Cũng như cơ thể con người không thể lệch chỗ này mà bỏ chỗ khác, mái nhà là bộ phận cấu thành nên tổng thể nên cần tương phối với ngoại thất ngôi nhà. Từ mệnh chủ sẽ chọn mái nhà có hình dáng, màu sắc tương ứng hành tương sinh, tương hòa mệnh chủ, và hạn chế hành tương khắc. Ví dụ như mái dạng Mộc sẽ hợp với gia chủ mệnh Mộc (bình hòa), Hỏa (tương sinh), khắc với người mệnh Thổ, và vượng bởi người mệnh Thủy. Hoặc nhà mái chóp nhọn màu đỏ là hành Hỏa, sẽ hợp với gia chủ mệnh Hỏa (bình hòa), mệnh Thổ (tương sinh), khắc với người mệnh Kim và vượng bởi người mệnh Mộc.

Như vậy, có thể thấy mỗi gia chủ trong tính chất theo mệnh Ngũ hành của mình sẽ có rất nhiều khả năng phối kết, gia giảm các chủng loại vật liệu khác nhau, chứ không chỉ đơn điệu vài loại nào đó. Cụ thể người mệnh Thủy có thể dùng vật liệu nhà thuộc nhóm Kim, Thủy và Mộc là bộ ba tương sinh với Thủy ở giữa. Còn 2 hành tương khắc là Thổ ( khắc Thủy) và Hỏa ( bị Thủy khắc) thì dùng hạn chế, nhấn nhá và phối hợp trong sự ảnh hưởng của 3 hành tương sinh đã nêu.

Tác giả Thạc sĩ/ KTS Hà Anh Tuấn

Giảng Viên ĐH Kiến Trúc - Chuyên mục Phong Thủy

Tin liên quan

Tôi muốn tìm