Kiến trúc nhà ở nông thôn: Không thể tiếp tục những lai căng

Theo ý kiến của nhiều kiến trúc sư nhà ở nông thôn hiện nay đang quá lộn xộn, đánh mất bản sắc. Trong khi nhà ở nông thôn Việt Nam, đặc biệt là nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ từng đạt chuẩn mực của nhà ở sinh thái, đặc sắc kiến trúc bản địa. Bởi vậy, có thể nói kiến trúc nhà ở nông thôn đã hoàn toàn thiếu vắng bàn tay của giới quy hoạch, thiếu vắng dấu ấn của giới kiến trúc sư.
 
Description: Kiến trúc nhà ở nông thôn: Không thể tiếp tục những lai căng
Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) - một giải pháp kiến trúc nhà ở nông thôn được đánh giá là thành công của KTS Hoàng Thúc Hào.
 
Một cuộc thi với chủ đề “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” vừa được Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phát động. Từ đây, câu chuyện về bộ mặt kiến trúc nhà ở nông thôn lại được đặt ra.
 
Cần tìm ra những kiến trúc phù hợp
Mới đây, trong Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về vấn đề nhà ở nông thôn, cần tìm ra những kiến trúc phù hợp vừa rẻ, vừa sáng sủa, giản dị, những kiểu nhà sống chung với lũ… đáp ứng được với từng địa phương. Đây có thể nói là vấn đề nhức nhối nhất trong vòng mấy thập kỷ qua, khi nông thôn bị đặt trước cơn lốc đô thị hoá. 
 
Theo ý kiến của nhiều kiến trúc sư, nhà ở nông thôn hiện nay đang quá lộn xộn, đánh mất bản sắc. Trong khi nhà ở nông thôn Việt Nam, đặc biệt là nhà ở nông thôn trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ từng đạt chuẩn mực của nhà ở sinh thái, đặc sắc kiến trúc bản địa. Đó chính là ngôi nhà Việt được khởi nguồn từ nếp nhà tranh. 
 
Ngôi nhà tranh tre nứa lá cổ truyền, tường đắp bùn đắp rơm không màu mè, nhưng xét về mặt kiến trúc, nếp nhà tranh cũng đã thể hiện sự sáng tạo, gửi gắm hệ thẩm mỹ mà đến nay, giới nghiên cứu cũng phải thừa nhận. Ngôi nhà tranh từng được cố kiến trúc sư (KTS) bậc thầy Nguyễn Cao Luyện cho rằng “qua nếp nhà khung tre vách đất ấy, chúng ta đã nhận ra các sáng tạo kỹ thuật gắn liền với thiên nhiên đất nước, cũng như các sáng tạo nghệ thuật nảy sinh từ tâm tình con người”. 
KTS Nguyễn Cao Luyện đánh giá đó là một “sáng tạo tài tình ở ngay trong các điều kiện mộc mạc thô sơ của một xã hội nông nghiệp xưa cũ”. Qua thời gian, từ ngôi nhà tranh cổ truyền ở nông thôn, di sản kiến trúc đó đã được kế thừa, thay đổi và tiếp tục sáng tạo, ngôi nhà Việt 5 gian Đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành nhà mái lợp ngói, tường xây gạch nhằm khắc phục nhược điểm của những vật liệu từ tranh, tre, nứa, lá, bùn rơm… Một giải pháp kiến trúc mà ông Cao Luyện từng cho là “kiểu mẫu về cách giải quyết đẹp đẽ những quan hệ muôn đời giữa con người Việt Nam với thiên nhiên đất nước để thực hiện đầy đủ một khái niệm về ở đạt tới trình độ toàn diện”.
 
Thiếu dấn ấn kiến trúc
Tất nhiên, trong xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày một khá giả, theo đó những đòi hỏi về cuộc sống tiện nghi hơn cũng được đặt ra. Điều này hoàn toàn chính đáng. Vấn đề đáng nói nhất là “tinh thần cân bằng sinh thái” của nhà ở nông thôn truyền thống đã không còn trong các ngôi nhà nông thôn nữa. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ những năm gần đây đã làm thay đổi mạnh mẽ đến bộ mặt xã hội nông thôn, trong đó có kiến trúc nhà ở. Những ngôi nhà ống với đủ mọi dáng hình thay thế hầu như toàn bộ mái nhà nông thôn truyền thống. Về giải pháp kiến trúc thì pha trộn nhiều giải pháp kiến trúc cóp nhặt ở khắp nơi. Có một KTS đã ví von, nhìn vào kiến trúc làng Việt, chỉ thấy nhấp nhô những ngôi nhà tầng thấp tầng cao, xanh xanh vàng vàng tím tím.
 
Kiến trúc nhà ở nông thôn đã hoàn toàn thiếu vắng bàn tay của giới quy hoạch, thiếu vắng dấu ấn của giới KTS. Ngay cả những ngôi làng cổ cũng biến dạng. Có thể nói rằng dấu ấn kiến trúc nông thôn Việt Nam giai đoạn mở cửa, hội nhập là “sự trở tay không kịp của giới KTS”. Mạnh nhà ai người lấy làm, sự giàu có thể hiện lộ liễu qua những “kiến trúc nhà chóp” và những mảng miếng hoa văn không ăn nhập, thậm chí đối chọi nhau. Nói về thời kỳ này, PGS.TS.KTS Tôn Đại, gọi đó là thời kỳ mà giới KTS có một thời gian dài nằm trong tình trạng “nhại cổ và hoang mang”. 
 
Cũng đã không còn sớm nữa để tìm phải tìm ra giải pháp quy hoạch và kiến trúc cho nhà ở nông thôn, trước khi khuôn mặt của làng Việt biến mất vô tăm tích. Trong những năm qua cũng đã có những KTS nỗ lực tìm kiếm các giải pháp trong đó có thể kể như kiến trúc xanh của KTS Võ Trọng Nghĩa, mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng của KTS Hoàng Thúc Hào…
Nghĩa là họ chỉ có thể đưa sáng tạo của mình vào những công trình nhỏ, vừa hoặc gửi dự thi những cuộc thi kiến trúc do thế giới tổ chức với những thiết kế từ tre nứa Việt Nam… Tuy nhiên, đáng tiếc là những yếu tố mới chưa trở thành xu hướng. Theo nhận xét của KTS Tôn Đại thì đến nay kiến trúc Việt Nam đã bắt đầu cho những thay đổi nhưng “bước chuyển biến này không mạnh mẽ và quyết liệt”.
 
Không thể chỉ trông chờ vào sự sáng tạo của một vài cá nhân KTS trong giải pháp kiến trúc đối với những công trình đơn lẻ, việc tìm ra giải pháp cho nhà ở nông thôn phải bắt đầu từ sự sáng tạo của giới KTS. Nhưng để được áp dụng rộng rãi lại cần vai trò quản lý qui hoạch và tạo ra được xu hướng. Từ mái nhà tranh truyền thống, kiến trúc Việt đã đi qua những chặng đường thăng trầm. Nhà ở nông thôn không thể tiếp tục là những lai căng kệch cỡm. Cần có những điều chỉnh sâu sắc mới giúp cho kiến trúc Việt để lại dấu ấn bản sắc đậm nét, hoà hợp với thiên nhiên trong cả giải pháp kiến trúc lẫn sử dụng vật liệu.    
 
Ngọc Anh
Nguồn sưu tầm: http://daidoanket.vn/

 

Tin liên quan

Tôi muốn tìm