Ngôi nhà của văn hóa gia đình

“Nhà” cũng là một cách gọi khác, mang ý nghĩa của “gia đình”. Bởi vậy, ngôi nhà chính là nơi chứa đựng tất cả những gì thuộc về gia đình, bao gồm cả văn hóa – thứ được tạo nên qua nhiều thế hệ, tồn tại trong nếp sinh hoạt, trong cách yêu thương giữa các thành viên.

Sau đây là một mẫu nhà được thiết kế để tôn vinh giá trị văn hóa gia đình, tác phẩm đạt giải trong cuộc thi thiết kiến kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam.”

Bối cảnh:

Ngôi nhà này là thiết kế riêng cho vùng nông thôn ở Đồng Nai, nơi mà những giá trị văn hóa về con người, về gia đình còn sâu đậm qua nhiều thế hệ.

Thai nghén và cho ra đời tác phẩm này, tác giả mong muốn tạo nên không gian sinh hoạt thoải mái, tiện ích cho gia đình gồm có 3 thế hệ cùng chung sống.

Ấn tượng của bản thiết kế:

Ngôi nhà được thiết kế dựa trên lối kiến trúc truyền thống của người dân Đồng Nai từ nhiều đời nay. Theo đó, nhà ở nông thôn xứ Đồng Nai được xây dựng thường hài hòa với tự nhiên, chuộng hướng Đông Nam, quay mặt ra sông, vườn; ngõ không thẳng vào cửa chính; sân trước, sân sau đều rộng, trước sân bày nhiều chậu hoa kiểng.

Tác giả chọn thiết kế theo mô hình chữ Đinh, với ngụ ý tôn vinh giá trị gia đình trong ngôi nhà. Theo quan niệm của người xưa, chữ Đinh với hai nét hình thành một ngang một dọc, tượng trưng cho hai yếu tố âm, dương, hiểu rộng ra là đạo vợ chồng, rộng hơn nữa là trời đất, vũ trụ, càn khôn… Ngôi nhà có mô hình phỏng theo chữ này đã hội tụ đầy đủ ý nghĩa đạo lý, tình cảm, gắn kết bền lâu.

Ở thiết kế này, yếu tố truyền thống được đặt lên hàng đầu để làm cảm hứng, tuy nhiên, kiến trúc sư vẫn không quên đan xen các yếu tố kỹ thuật, vật  liệu mới trong kết cấu để  tạo ra sản phẩm nhà ở có chất lượng tốt nhất. Hệ mái, kèo sử dụng vật liệu thép mới với tính bền vững, chắc chắn đã được kiểm định.

Không gian sinh hoạt bố trí một cách khoa học, phù hợp với gia đình nhiều thế hệ. Ngôi nhà tận dụng ánh sáng tự nhiên, kết nối với thiên nhiên bên ngoài, tạo không gian mở sinh động, thoáng đãng.

Văn hóa gia đình là điều vô giá mà việc giữ gìn nó không phải đơn giản có thể thực hiện được. Bằng cách thiết kế ngôi nhà này, kiến trúc sư đã lặng lẽ gửi gắm vào đó một thông điệp ý nghĩa, để cuối cùng, không chỉ là một sự lựa chọn, tác phẩm kiến trúc này còn tạo ra giá trị văn hóa của riêng mình.

Nhà giữ lại nét hồn nhiên của nông thôn từ nhiều đời lưu lại, “trước cau, sau chuối”, vừa gần gũi, thân quen, lại vừa xanh, mát mẻ, làm cho ngôi nhà hoàn thiện bước phối cảnh một cách đơn giản nhưng cũng không kém phần thú vị.

Tác giả thiết kế: KTS. Lê Quốc Phi

Tin liên quan

Tôi muốn tìm