Lưu ý quan trọng cho nhà thầu: Nhà chống bão phải bắt đầu từ lúc xây

Chắc hẳn các anh em nhà thầu cũng hiểu rõ các biện pháp gia cố trước khi vào mùa đôi khi sẽ không cản nổi sự khắc nghiệt của thiên tai. Vậy nên, khi xây nhà cho cư dân vùng có bão, bạn nên kết hợp với gia chủ áp dụng các phương pháp giúp nhà chống bão ngay từ đầu để tăng tính bền vững cho ngôi nhà, mạnh mẽ đương đầu với mưa to gió lớn.

1. Hệ thống mái phải được vít chặt vào khung nhà

Giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với ngôi nhà, hệ thống mái có nhiệm vụ giữ cho toàn bộ kết cấu nhà ổn định. Trong đó, bạn nên chú ý mái tôn cần được vít chặt vào khung mái, giữ vững, cứng cáp.

Để chắc chắn rằng mái đã được vít chặt vào khung, bạn cần thi công thật cẩn trọng, giám sát kỹ thợ làm. Khoảng cách các vít cần được thực hiện tỉ mỉ, chính xác, vít cũng cần đặt đúng vị trí trên các xà gồ, thêm nhiều vít hơn ở những xà gồ cuối, phần mép để gió không lột được mái nhà.

Loại vít bạn dùng cho nhà chống bão nên là loại vít cường độ cao, chịu lực tốt, có độ bền lâu. Vít bắn tôn phải có gioăng chịu nhiệt EPDM (chịu được nắng mưa) và vít được mạ kẽm dùng cho ngoài trời. Chiều dày lớp mạ kẽm của vít khoảng tốt nhất là từ 20µm trở lên.

Sử dụng loại vít có cường độ cao khi vít mái vào khung nhà để tăng độ bền chặt.

2. Các góc nhà cần được cố định

Bạn có thể dùng cách sau để chống nhà bị tốc mái. Đó là:

●       Phủ một tấm kim loại ở các cạnh mái nhà, dọc theo góc.

●       Ngoài ra, bạn nên liên kết các tấm phủ nóc nhà và đầu hồi.

●      Hãy sử dụng loại bu – lông ốc  vít bằng inox hoặc bu-lông mạ kẽm nhúng nóng và vít bắn tôn mạ kẽm chuyên dùng cho vùng ven biển, để hạn chế quá trình oxi hóa, nhất là đối với vùng đón bão ven biển.

Cách này rất hiệu quả để ngăn cản mái nhà bị tốc khi có gió lớn trong mưa bão.

3. Nẹp, ke là những công cụ hữu dụng

●                   Nẹp

Thay vì sử dụng tấm kim loại để phủ như ở trên, bạn cũng có thể thay vào đó các loại nẹp cố định. Sử dụng nẹp sắt hoặc thép để có độ cố định được chắc chắn. Hiện nay, phương pháp này được sử dụng rất nhiều, nhưng thường trước mùa mưa bão mới “rục rịch” bắt đầu để ứng phó. Ở nơi có mức độ chịu bão thường xuyên, trong lúc xây nhà mới có thể đưa cách này vào thực hiện luôn trong quá trình xây dựng, để chủ động phòng chống khi có bão đến bất ngờ.

Một lưu ý nhỏ khi dùng phương pháp nẹp chống bão là các nẹp có thể là vật cản giữ rác trên mái nhà, bạn nên lưu ý với gia chủ thường xuyên vệ sinh để thoát nước tốt.

●                   Ke chống bão

Ke là sản phẩm có chức năng tăng tiết diện kết nối giữa xà gồ và tôn mái. Các sản phẩm ke đều có độ bền cao, khả năng chống chọi tốt với gió bão. Hơn nữa, tùy thuộc vào loại tôn có hình dạng sóng như thế nào, bạn có thể chọn mua loại ke phù hợp.

Bạn sử dụng ke chống bão như sau: bắn ke lên mái, để ke trùm lên toàn bộ diện tích sóng dương và một phần sóng âm của 2 tấm tôn, tạo thành một khối liên kết. Ke sẽ làm cho độ khít giữa 2 tấm, cản trở gió luồn vào, ngăn ngừa lột mái khi  có gió lớn.

Ke chống bão, nhiều nơi gọi là “cùm”, tạo thành mối liên kết chặt chẽ giữa các tấm tôn, ngăn gió làm tốc mái nhà.

Hiện nay, ke chống bão chưa được sử dụng nhiều, người dân chưa biết đến nó. Bạn có thể tư vấn thêm cho gia chủ của mình khi thi công mái nhà. Công năng của sản phẩm này có thể hỗ trợ tốt cho ngôi nhà, trong khi đó quá trình thi công cũng đơn giản.

4. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bạn nên thi công mái chống bão ngay từ lúc xây nhà

Chống bão là chức năng vô cùng quan trọng đối với nhà ở khu vực thường xuyên có bão như miền Trung và các tỉnh ven biển miền Bắc. Vậy nên, bạn phải lưu ý là chờ đến khi có bão mới loay hoay tìm cách ứng phó có lẽ là đã chủ quan.

Căn nhà chống được bão gió trước hết phải là căn nhà có mái vững chắc, không dễ dàng bị tốc, bị thủng, bị xộc xệch. Mái nhà có vững vàng, căn nhà mới bình an đứng trụ. Với một vài phương pháp được gợi ý trên đây, Mái Đẹp Nhà Sang hi vọng rằng bạn sẽ cùng với các gia chủ tạo nên những căn nhà vững chãi, không ngại mưa bão, thiên tai.

Tin liên quan

Tôi muốn tìm