Cách thức gia cố nhà chống bão dành cho nhà thầu

Bão và lũ lụt là những thiên tai thường khiến anh em thợ thầu đứng ngồi không yên. Nếu bạn đứng trước bài toán làm sao giúp các gia chủ gia cố nhà cửa chống chọi thiên tai thì hãy xem qua một vài giải pháp mà Mái Đẹp Nhà Sang xin được chia sẻ cùng nỗi trăn trở của bạn

1. Gia cố hệ thống mái:

a. Bổ sung vít bắn tôn:

Đầu tiên, bạn hãy kiểm tra lại toàn bộ vít bắn tôn của mái nhà. Theo thời gian, vít bắn trên mái có thể đã bị ăn mòn do quá trình oxi hóa. Hoặc, dưới các tác động khác của môi trường, vít bắn bị lỏng lẻo. Hãy đảm bảo rằng phần mái của ngôi nhà được cố định vững chắc bởi vít bắn tôn không hư hại.

Thêm nữa, hãy bắn thêm vít bắn tôn để mật độ vít đủ dày, giữ mái tôn không bị gió lột mái khi có bão.

Đối với những nhà nằm trong khu vực có mật độ phải hứng chịu bão thường xuyên, bạn cần cố định mái lợp vào khung bằng loại vít cường độ cao, số lượng nhiều tại vị trí các thanh xà gồ.

b. Dùng nẹp thép:

Bạn có thể dùng nẹp gỗ, tre hoặc thép. Tuy nhiên, chúng ta đều biết thép có tính lâu dài hơn. Loại nẹp thép thông dụng, dễ tìm hiện nay là nẹp 40x4, khoảng cách giữa các thanh nẹp dưới 2,5m. Loại này dễ thi công nhưng cũng có nhiều nhược điểm trong quá trình sử dụng. Chẳng hạn như dễ bị đọng rác, lá cây trên mái nhà, làm nghẽn nước chảy, cần vệ sinh thường xuyên.

Gia cố mái nhà chống tốc mái trong mùa mưa bão

c. Dùng bao cát:

Hình ảnh những bao cát chi chít trên các mái nhà trong mùa mưa bão cũng không còn xa lạ đối với người Việt Nam. Phương pháp này các gia chủ có thể tự làm được mà không cần phải nhờ sự trợ giúp của các nhà thầu. Thế nhưng, bạn nên tư vấn cho họ cách sử dụng bao cát gia cố nhà làm sao cho hiệu quả, đúng cách.

Bao cát thường có trọng lượng khoảng 10 – 15kg, không nên quá nặng hoặc quá nhẹ. Vị trí bao cát nên đặt là ở gần đòn tay hoặc vì kèo, cách nhau tầm 1 – 1,5m. Cần đặt bao cát ở phần mép các tấm lợp.

Đối với một số mái nhà có độ dốc cao, phải kết nối các bao cát lại với nhau bằng dây, cố định tại đỉnh để chống trôi tuột.

Đây là cách làm đơn giản, dễ làm, không tốn chi phí mà các nhà thầu có thể tư vấn hỗ trợ gia chủ trong mùa mưa bão khắc nghiệt để bảo vệ mái nhà an toàn.

2. Kiểm tra hệ thống điện, thông gió, đảm bảo an toàn cho ngôi nhà

a. Hệ thống thoát nước mái:

Gồm có máng xối và ống xối, hệ thống thoát nước mái có vai trò giúp cho mái nhà thoát nước, bảo vệ tường nhà và nền móng căn nhà. Trong mùa mưa bão, nhiệm vụ này lại vô cùng quan trọng.

Khi gia cố nhà chống bão, bạn đừng quên kiểm tra lại hệ thống thoát nước mái, để kịp thời phát hiện sự cố rỉ sét máng, đường ống, hoặc lỏng lẻo các ở các vị trí khớp nối, đồng thời xử lý cặn rác đọng lại trên máng, đảm bảo quá trình thoát nước trong mưa bão được trơn tru.

Bạn cũng nên lưu ý hệ thống cống thoát nước mưa ngầm cần liên kết ra hệ thống thoát nước mưa chung, hoặc thoát ra ao, hồ  xung quanh nhà.

b. Hệ thống thông gió:

Bạn hãy tư vấn cho gia chủ đóng chặt cửa khi mưa bão, hệ thống thông gió, thoáng khí phải bịt kín. Các mấu chốt, ốc vít cửa chính, cửa sổ phải được kiểm tra kỹ, phòng gió mạnh sẽ bị bung và mưa gió tràn vào nhà.

c. Hệ thống điện:

Hệ thống điện tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự vững vàng của căn nhà, nhưng nó lại tiềm tàng những nguy cơ xảy ra tai nạn nguy hiểm cho con người. Vì vậy, bạn nhất định phải kiểm tra lại hệ thống điện trước mùa mưa bão và đảm bảo các ổ điện phải đặt trên cao.

Bạn cũng nên lắp đặt thêm cột thu lôi để đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện trong nhà cũng như bảo vệ tính mạng con người. Ngoài ra, bạn cần lưu ý vị trí đặt cột thu lôi không nên quá cao sẽ dễ bị gió đổ khi có bão lớn.

d. Các công trình, vật quanh nhà

Chặt hạ những cây hoặc cành cây cao, tránh cây đổ đập lên mái nhà

Gió lớn sẽ làm ngã đổ những cây cối lớn, những công trình tạm thời quanh nhà. Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho gia chủ, bạn cũng nên nhắc họ xử lý những cây cối, công trình đó trước khi mưa bão, đề phòng gió quật ngã cây đập vào nhà, gây hư hại. Một số nhà có trang trí chậu hoa treo ở ban – công cũng nên dời bỏ để đảm bảo không bị rơi vỡ.

Trên đây là một số công việc cần phải thực hiện để giúp cho căn nhà chống chọi với mưa bão. Ngoài những bước chủ chốt bắt buộc gia chủ có sự can thiệp, hỗ trợ từ nhà thầu, thì còn có một số công việc mà bạn nên tư vấn thêm cho họ, để giữ cho ngôi nhà kiên cố, bền vững chống lại thiên tai.

Tin liên quan

Tôi muốn tìm