NHÀ Ở NÔNG THÔN TRƯỚC THÁCH THỨC TỪ ĐÔ THỊ

Sự chuyển đổi từ văn hóa nông thôn sang văn hóa đô thị
 
Từ thế kỷ 20 trở về trước, có thể coi nông thôn là cội nguồn văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, dĩ nhiên trong đó có cả kiến trúc. Lịch sử văn học đã chứng minh rằng chúng ta có hàng vạn tác phẩm văn thơ viết về cuộc sống nông thôn nhưng có rất ít viết về đô thị. Những công trình kiến trúc đình chùa nổi tiếng còn lại đến ngày nay chủ yếu nằm ở nông thôn. Điều đó cũng là dễ hiểu bởi Việt Nam được coi là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước, nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo. Từ khi bị Pháp đô hộ, văn hóa đô thị ở Việt Nam bắt đầu có vai trò lớn hơn, bởi nền văn minh cận- hiện đại của Pháp nói riêng và châu Âu nói chung được xây dựng và phát triển chủ yếu gắn với đô thị. Khoảng 30 năm trở lại đây, cùng với quá trình đô thị hóa thần tốc, sự mở rộng các đô thị, sự di chuyển lao động từ nông thôn tới thành phố, văn hóa đô thị đang dần thay thế nông thôn trở thành định hướng xã hội. Những lối sống mới, xu hướng âm nhạc, hội họa, văn học, thời trang, ẩm thực mới đều được dẫn dắt bởi những con người sống ở đô thị, được thực hiện ở phố phường trước tiên rồi mới lan tỏa về các miền quê. Và kiến trúc cũng không thể tách rời xu thế thời cuộc, dẫu cho một số kiến trúc sư tên tuổi hiện nay có những tác phẩm khá tốt được xây dựng ở nông thôn.
 
Chúng ta không khó để nhận ra khắp các vùng quê đã xuất hiện những ngôi “nhà cao cửa rộng”, mong ước bao đời đã thành hiện thực của người nông dân, những người nay đã trở thành công nhân ở các khu công nghiệp hoặc mới đi xuất khẩu lao động trở về. Kiến trúc những ngôi nhà này phần lớn là sự sao chép lại từ thành phố. Người dân ở nông thôn, ít được tiếp xúc với kiến trúc sư, ít được tiếp cận tài liệu kiến trúc, thì cách nhanh nhất là họ sao chép những ngôi nhà ở thành phố cũng là điều dễ hiểu. Chính bản thân tác giả bài viết này khi hành nghề đã gặp không ít trường hợp chủ nhà nông thôn đưa cho tấm ảnh chụp các biệt thự hiện đại ở thành phố và nhờ vẽ lại kiểu như trong ảnh với vật liệu rẻ tiền hơn.
 
Xu thế đô thị dẫn hướng văn hóa lối sống là điều khó có thể cản nổi. Đô thị hóa như một cơn lốc có khả năng cuốn theo tất cả những gì xung quanh vào guồng quay của nó. Đô thị hóa tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, và đó là điều tốt. Nhưng khi nó khuynh loát đến tư tưởng, lối sống, văn học nghệ thuật, kiến trúc… thì chúng ta phải rất tỉnh táo để cho cái gốc tính nông nghiệp xa xưa của dân tộc Việt Nam không bị biến mất. Mặc dù tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta năm 2017 mới đạt 34,7%, nhưng văn hóa đô thị đang bị “lạm phát” hiện nay khiến chúng ta không thể không có phản biện đối với xu hướng này.
 
Nhà ở nông thôn truyền thống Việt Nam, một vẻ đẹp ẩn dật và bình dị
 
Một góc ngoại ô Hà Nội ngày nay, khó có thể nhận diện bản sắc nơi đây
 
Nguyên nhân của sự “lạm phát” văn hóa đô thị
Văn hóa lối sống cũng như kiến trúc đô thị hiện nay ở Việt Nam có sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến:
 
Thứ nhất, văn hóa đô thị có cảm giác mới mẻ và văn minh, giàu có và “sang chảnh”, đồng thời cập nhật rất nhanh các “hot trend” của thế giới. Đứng trước sức mạnh của đô thị, người dân nông thôn bị choáng ngợp và bị cuốn theo cũng là điều dễ hiểu.
 
Thứ hai, văn hóa đô thị được truyền thông sát cánh (dù vô tình hay hữu ý). Các gameshow truyền hình, các tờ báo- tạp chí đông độc giả, các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội… phần lớn được thực hiện bởi người đô thị và nói về các vấn đề liên quan đến đô thị.
 
Thứ ba, văn hóa đô thị gắn liền với khu vực kinh tế công nghiệp và dịch vụ, mà khu vực này đang đóng góp GDP lớn hơn nông nghiệp. Ví dụ năm 2018, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP (nguồn: Tổng cục Thống kê). Khi nông nghiệp đóng góp cho nền kinh tế chung kém hơn công nghiệp và dịch vụ, thì không gian văn hóa gắn liền với nông nghiệp bị yếu thế hơn cũng không có gì lạ.
 
Đôi điều nhìn thấy từ nước Nga
Nhưng liệu có phải chúng ta không có cách nào chống đỡ được cơn bão văn hóa và kiến trúc đô thị càn quét khắp các làng quê? Dưới đây là một số cảm nhận của tác giả về vấn đề này ở nước Nga, có thể rút ra kinh nghiệm nào đó cho Việt Nam.
 
Mặc dù mức độ đô thị hóa ở Nga khá cao (73,2% năm 2017), mật độ dân số ở nông thôn rất thấp, nhưng hầu hết các làng quê Nga vẫn giữ được thói quen dựng nhà ở truyền thống làm bằng gỗ. Trong thư viện các trường có đại học đào tạo ngành kiến trúc- xây dựng có rất nhiều đầu sách liên quan đến thiết kế và xây dựng nhà gỗ ở nông thôn. Trong chương trình học của sinh viên ngành kiến trúc và xây dựng dân dụng có đồ án tính kết cấu nhà gỗ thấp tầng. Trong các hiệu sách lớn và các thư viện địa phương, người dân không khó để tìm một cuốn sách hướng dẫn cách dựng nhà gỗ truyền thống.
 
Người dân đô thị ở mức trung lưu luôn có ý định (hoặc đã có) sở hữu thêm một ngôi nhà nghỉ (dacha - Дача) ở ngoại ô hay miền quê nào đó. Theo khảo sát của hãng thông tấn Itar Tass năm 2018, cứ 3 người Nga ở đô thị thì 1 người có dacha. Dacha là một thể loại công trình kiến trúc rất đặc trưng của Nga, thường được xây dựng theo kiểu gỗ truyền thống. Đó cũng là một cách sống của những thị dân nước này, một truyền thống vẫn được duy trì hàng trăm năm nay. Dacha có thể được xây dựng ở những khu vực hoang vắng nếu người chủ không có nhiều tiền, hoặc có thể nằm trong một quần thể nghỉ dưỡng nông thôn mà người Nga gọi là “посёлки для отдыха”, thực chất là một cách quy hoạch nửa đô thị, nửa nông thôn. Mỗi kỳ nghỉ lễ hoặc nghỉ phép dài ngày, người dân đô thị Nga sẽ về dacha (mà phần lớn không phải ở quê của họ) hoặc đi du lịch nước ngoài. Đến hè, hầu như các giảng viên đại học sử dụng 3 tháng mùa hè ở dacha thay vì ở thành phố. Đến tổng thống Nga cũng có những kỳ nghỉ trong dacha của mình, và đôi khi họ mời các nguyên thủ nước khác thật quan trọng đến cùng nghỉ ở dacha, thể hiện sự thân thiết đặc biệt. 
 
Mặc dù, Nga là nước có quá trình đô thị hóa ổn định từ lâu nhưng văn học nghệ thuật của nước này luôn có sự cân bằng giữa hai khu vực đô thị và nông thôn. Đó là một trong những bản sắc quan trọng của nền văn học nghệ thuật Nga, khi so sánh với các nước phát triển khác vốn trọng văn hóa đô thị hơn.
 
Gần đây, các lãnh đạo Nga còn cổ vũ cho sự phục hồi các giá trị sống truyền thống của Nga, vốn được xuất phát từ nông thôn. Ví dụ tổng thống Putin cưỡi ngựa săn bắn trong rừng, câu cá ở sông, hoặc ngoại trưởng Lavrov có cách rèn luyện sức khỏe là đốn củi và bổ củi…
 
Một dacha phổ biến ở Nga
 

Một khu vực nghỉ dưỡng ở nông thôn Nga (посёлки для отдыха)

Một vài đề xuất

Sự “lạm phát” văn hóa, kiến trúc đô thị sang khu vực nông thôn là do quá trình đô thị hóa thần tốc. Liệu chúng ta có cách khắc phục không? Dưới đây là một vài ý kiến đề xuất:

Thứ nhất, truyền thông và hệ thống chính trị cần cổ vũ một phong cách sống mới cho các thị dân là cần phải trải nghiệm những giá trị của nông thôn, cái gốc của văn hóa Việt Nam. Trong khả năng của mình, Hội KTSVN đã có những việc làm đáng hoan nghênh như Giải thưởng Kiến trúc quốc gia luôn đề cao hạng mục nhà ở nông thôn, cũng như cuộc thi “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” này.  
 
Thứ hai, phổ biến khắp các tỉnh thành những mẫu nhà nông thôn thành công, có bản sắc nông thôn Việt Nam. Điều này cần phối hợp với những nhà sách có ảnh hưởng lớn và có thị trường độc giả rộng, cũng như có sự hợp tác với những kênh truyền hình mà người dân nông thôn hay xem.
 
Thứ ba, cần đưa ra những quy định về bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn, có chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm. Trong dự thảo luật Kiến trúc, nên chăng có các quy định cụ thể hơn đối với kiến trúc nông thôn.
 
Tác giả KTS Vũ Hiệp

Tin liên quan

Tôi muốn tìm