LƯU Ý KHI XÂY NHÀ VÙNG THỜI TIẾT NÓNG

Với môi trường tự nhiên đang ngày càng nóng dần lên, thì nhà ở cũng không tránh khỏi bị tăng nhiệt. Việc sử dụng máy điều hòa không khí để giảm nhiệt trong nhà là điều khó tránh khỏi, đặc biệt ở các vùng có thời tiết nóng bức. Nhưng nếu muốn căn nhà bạn không quá phụ thuộc vào máy điều hòa không khí và để sử dụng nó với tiêu chí tiết kiệm và hợp lý về năng lượng thì nhà ở cần phải lưu ý tới hai yếu tố quan trọng và có liên quan mật thiết: cách nhiệt và thông gió tự nhiên.
 
Cách nhiệt và Thông gió tự nhiên
Giữa ngày nóng bức, bước vô một căn nhà mà thấy mát rượi, thì chắc chắn là ngôi nhà đó đã được cách nhiệt và được thông gió tốt. Nhà “Pháp” - ám chỉ các nhà được xây thời Pháp thuộc - là điển hình của nhà có cách nhiệt rất tốt: tường dầy, mái che được đưa xa khỏi tường, nhà có hàng hiên, cửa có kích thước vừa phải, mái đặt khá cao và luôn có các lổ thông gió, trần tô hồ… Các phòng trong nhà “Pháp” thường không xây kín hẵn mà có chừa những khoảng thông gió phía trên cao, cửa lại có lá sách nên gió có thể đi xuyên qua nhà một cách dễ dàng…
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
Các nhà kiểu mới thời nay được thiết kế với các ô cửa kính lớn, hình khối nhà đơn giản, không có các chi tiết che chắn mưa nắng. Đó là chưa kể nhà ở trong các khu dân cư phân lô bị ngược hướng gió, mặt quay ra hướng nắng xấu. Gió tự nhiên khó có thể đi vào các nhà loại này và càng không thể đi xuyên qua các phòng. Nắng chiều gay gắt chiếu trực diện vào các mặt nhà, nung nóng nhà.
 
Phải tính tới hướng gió khi mua nhà
Nếu có điều kiện thì chủ nhà nên chọn hướng tốt (dựa theo khí hậu vùng miền) khi mua nhà. Lúc lên thiết kế nên nhờ kiến trúc sư có quan tâm tới yếu tố khí hậu. Càng tốt nếu kiến trúc sư đó đã có nhiều kinh nghiệm thực tế về việc xử lý thông gió cho nhà. Kiến trúc sư cũng phải có sự am hiểu khá về vật lý kiến trúc để có thể xử lý kiến trúc hợp lý, tránh những sơ đồ thông gió đẹp mắt nhưng phi lý.
 
Với nhà phố, cần tránh mặt nhà duy nhất của mình ngược hướng gió. Hướng gió không cần phải vuông góc với mặt nhà mà có thể xiên góc. Nên nhớ, gió di chuyển không đơn giản như các mũi tên minh họa trên các bản vẽ thiết kế. Ở nước ngoài, người ta phải đặt mô hình ngôi nhà với các cấu trúc lân cận đúng như thực tế vào đường ống và cho thổi gió để xác định đường gió đi. Với điều kiện Việt Nam thì dựa chủ yếu vào kinh nghiệm của người thiết kế.
 
Mô phỏng lấy gió tự nhiên của mẫu nhà MT 03. Nguồn: maidepnhasang.vn
 
Đối với nhà có đất rộng, nhất là vùng nông thôn, khi tiến hành thiết kế thì phải phân hạng được phòng nào quan trọng với người ở nhất, phòng nào ở vị trí thứ hai, thứ ba… Các phòng quan trọng như phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung phải tránh được nắng hướng Tây, đón được gió hướng Đông Nam (theo vùng khí hậu miền Nam). Các khu vực cầu thang, vệ sinh hay nhà kho có thể bố trí hướng xấu như hướng Tây. Nếu không có điều kiện chọn nhà có hướng gió thì nhờ kiến trúc sư dùng các “thủ thuật” thiết kế để giảm bớt nhược điểm “bí gió” của nhà.
 
Cách nhiệt cho nhà
Xử lý cách nhiệt cho nhà có phần “chủ động” hơn đón gió vì phụ thuộc nhiều vào vật liệu và giải pháp kiến trúc. Nhà bất đắc dĩ phải chịu hướng nắng xấu thì dùng các giải pháp kiến trúc như ban công, mái hiên, các tấm che chắn ngang dọc để ngăn nắng và hạn chế mưa hắt.
 
Những bức tường quay về hướng nắng, nhất là nắng chiều, phải được xây dầy tối thiểu khoảng 20cm (thường gọi là tường 20) để bảo đảm nắng sẽ không nung nóng không khí trong phòng. Tối kỵ làm những ô cửa kính lớn ở các hướng này vì các cửa kính hộp 2 lớp hiện đại trên thị trường hiện nay vẫn không đủ bảo đảm cách nhiệt cho phòng, với một lớp kính thì còn tệ hơn nữa! Nếu cần phải bố trí cửa thì nên hạn chế diện tích: ô cửa chỉ lớn vừa đủ và nên có các cấu trúc che chắn.
 
“Lợp ngói cho mát!” không mát như nhiều người lầm tưởng. Ngói đất nung hay đúc bằng xi măng đều hấp thụ nhiệt rất lớn. Dưới lớp ngói cần phải có lớp vật liệu cách nhiệt dầy. Bên dưới đỉnh mái thường tụ khí nóng, nên nếu có được những cửa tạo đối lưu không khí và thoát nhiệt giống như “khu đĩ” trong nhà ngói cổ truyền thì càng tốt!
 
Tôn lợp mái có tính cách nhiệt kém nhất, cho dù là tôn “lạnh”. Hiện có loại tôn được ép sẵn lớp vật liệu cách nhiệt ở mặt dưới, nếu không thì phải trải một lớp cách nhiệt trước khi lợp tôn. Nhà có được thêm lớp trần thì càng tốt, không gian giữa trần và mái cần có các lổ thông gió để tạo đối lưu không khí.
 
Công nghệ độc quyền Eco-CoolTM có thể giúp giảm nhiệt cho mái đến 5oC
 
Đối với “mái bằng” thì cần chống nóng kèm với chống thấm. Ngày trước người ta thường tạo một lớp đan kê trên các cục đỡ và cách mặt đan chừng 20cm để tạo không gian đệm có đối lưu không khí để chống nóng. Do nhu cầu sử dụng “mái bằng” làm nơi sinh hoạt nên hiện nay không ai làm lớp đan cách nhiệt này nữa và lớp gạch lát bên trên không đủ để chống nóng. Muốn căn phòng bên dưới không nóng thì chỉ có cách đóng trần!
 
Cây xanh làm mát nhà?
Cây xanh trồng trên mái “bằng” cũng là một giải pháp giảm nhiệt cho mái nhà. Do kỹ thuật chống thấm trong xây dựng hiện nay chưa phải hoàn hảo nên các nhà có cây trồng trên mái thường bị thấm dột. Chăm sóc cây trồng, thay đổi đất trồng bị chai cũng là một vấn nạn với chủ nhà.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
Nhiều nhà thiết kế hiện nay đang vẽ rất nhiều cây xanh vào bản vẽ của mình để làm “mát” nhà, thực tế cây trồng chỉ cần bị thiếu nắng là chết. Đa số các giếng trời trồng cây trong nhà nhỏ cao khoảng 2-3 tầng là không thực tế. Sân ngoài nhà chỉ cần khuất nắng bởi tường rào hay nhà hàng xóm là không thể trồng cây. Các mặt tiền nhà chỉ có vài giờ nắng trong ngày hoặc bị khuất nắng là cây không thể “xanh” như trên bản vẽ. 
 
Với công nghệ sản xuất tôn hiện nay, nhiều tính năng vượt trội đã được tích hợp cho vật liệu này. Có thể kể đến các dòng tôn BlueScope Zacs, cụ thể là tôn giảm nhiệt và tôn lạnh. Công nghệ độc quyền Eco-CoolTM trong tôn BlueScope Zacs có thể giúp giảm nhiệt cho mái đến 5oC so với các loại tôn truyền thống. Đó là nhờ công nghệ này cho chỉ số phản xạ nhiệt cao, giúp bề mặt mái tôn phản xạ sức nóng từ ánh mặt trời tốt hơn các loại khác, giữ cho không khí bên dưới mái bớt bị "đun" nóng. Trong khi đó, một dòng tôn đột phá khác là BlueScope Zacs Lạnh cũng rất đáng chú ý khi được làm từ tấm thép mạ hợp kim nhôm kẽm, được phát triển đặc biệt để phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Dòng tôn này có khả năng chống ăn mòn và chống nóng ấn tượng, là lựa chọn lý tưởng góp mặt vào nhóm vật liệu thông minh, phù hợp chống nóng cho ngôi nhà Việt trong nhịp sống đương đại.
 
Bài KTS Hồ Lê Phương
Ảnh Cao Khanh

Tin liên quan

Tôi muốn tìm