“Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” – Rất cần sự “nhập cuộc của KTS trẻ!

Cuộc thi thiết kế kiến trúc: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” do Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Diễn đàn http://www.maidepnhasang.vn phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và đơn vị đồng hành: Tôn BlueScope Zacs®. Được phát động vào tháng 11/2018, kết thúc vào tháng 4/2019, Cuộc thi  là một sân chơi của giới nghề, một diễn đàn thiết thực với chuỗi hoạt động, sự kiện được tổ chức trên toàn quốc.
 
Một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc thi “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” là sự “vào cuộc” của nhiều giới, nhiều ngành – Người nông dân hiểu về vùng đất của mình, ngôi nhà của mình, cùng sáng tạo không gian cho mình. Người quản lý hiểu được tâm tư, tình cảm của người dân. KTS có hoạt động thực tế, trải nghiệm nhiều hơn và có trách nhiệm hơn với xã hội, với cộng đồng…
 
TCKT đã có cuộc trò chuyện với GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập TCKT) và KTS Nguyễn Thu Phong (Chủ nhiệm CLB KTS Trẻ toàn quốc – Tổng Giám đốc Công ty Nhà Vui) về nội dung Cuộc thi. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
 
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông: Phải nói rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nỗ lực tích cực của chính quyền và chúng ta dễ dàng nhận thấy những thành công về hạ tầng kỹ thuật đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, thực tế là kiến trúc và quy hoạch, hạ tầng xã hội và nhà ở còn nhiều việc phải làm. Sự phát triển thiếu bản sắc của kiến trúc, nhà ở là một thực tế đáng buồn. Trong khi giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa phần lớn bắt nguồn từ nông thôn, nếu bị mai một đi thì chúng ta sẽ có một nền kiến trúc nông thôn khó nhận diện.
 
KTS. Nguyễn Thu Phong: Nhà ở nông thôn là vấn đề nóng, cấp thiết và mang trách nhiệm lớn đối với giới KTS nói chung, CLB KTS Trẻ nói riêng. Tôi rất lấy làm tiếc vì người dân nông thôn phải đi cóp nhặt các mẫu nhà về xây cho nhà mình, hoặc những suy nghĩ sai lầm trong khi xây dựng nhà của người dân dẫn đến nhìn chung quy hoạch vùng nông thôn đã bị phá vỡ bản sắc vốn có. Còn chính quyền và KTS thì chưa tạo được tuyển tập nhà ở nông thôn để cho người dân sử dụng.
 
 
PV: Ông đánh giá như thế nào về nhà ở và không gian ở hiện nay, sự thay đổi này diễn ra như thế nào ở khu vực nông thôn? Văn hóa ở hiện đại đã tác động như thế nào đến tư duy thiết kế của KTS?
 
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông: Người dân Việt Nam những năm gần đây đang có những thay đổi về phương thức sản xuất, họ không còn gắn bó với đồng ruộng như trước mà đổi dần sang các ngành dịch vụ công nghiệp khác. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong không gian sống, điều kiện sống của dân cư nông thôn, văn hóa ở có xu hướng giao thoa giữa các vùng miền và cả trên thế giới.
Tôi nhìn nhận điều này mang nhiều tính tích cực. Nhưng sự thay đổi đó cần có cơ sở, bám theo những vấn đề “cốt lõi” của kiến trúc địa phương chứ không đơn giản là phá đi và đặt một công trình hoành tráng, hiện đại vào khu đất nông thôn. Việc này sẽ làm mất đi bản sắc riêng của vùng miền, thay đổi không bám vào yếu tố cốt lõi sẽ dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch nông thôn.
 
KTS. Nguyễn Thu Phong: Như chúng ta đã thấy, ngày nay, người dân Việt nam đang từng bước chuyển dịch công việc sang các ngành dịch vụ khác chứ không còn làm  việc đồng áng đơn thuần như xưa. Điều này dẫn đến sự thay đổi về nhận thức, tập quán, lối sống, nhà ở của người dân. Văn hóa ở của Việt Nam hiện nay đang từng bước giao thoa, toàn cầu hóa với nền văn hóa trên thế giới. Tôi tin rằng sự thu hẹp khoảng cách về văn hóa ở và lối sống, dẫn đến chất lượng môi trường ở giữa Việt Nam và trên thế giới đang thu hẹp rất nhanh. Việc này tác động tích cực đến các KTS nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng vẫn phải cẩn trọng để không đánh mất bản sắc dân tộc.
 
PV: Vậy theo ông, với một thực tế như thế, vai trò của giới KTS trong việc góp phần nâng cao chất lượng ở cho người dân, chú trọng các giải pháp thiết kế cho kiến trúc nông thôn?
 
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông: Khó nhận diện, thiếu bản sắc thực sự là một mối lo đối với kiến trúc nông thôn Việt Nam, nhưng không phải là không có giải pháp. Chính vì thế, chủ đề của cuộc thi do TCKT và Tôn BlueScope Zacs® tổ chức với sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam là Chung tay kiến tạo nông thôn Việt Nam, với những đề bài gắn với 4 vùng miền được ưu tiên. Hy vọng rằng cuộc thi sẽ góp phần giải quyết những vấn đề của nông thôn hiện đại một cách đơn giản nhất.
Từ xưa đến nay, nhà ở nông thôn nước ta thường do người dân tự xây dựng và kéo dài theo nhiều giai đoạn. Tâm lý cần bản thiết kế nghiêm túc của người dân không hề phổ biến. Việc KTS thiết kế nhà ở nông thôn chưa chắc đã áp dụng được vào thực tế. Người dân hiện nay rất thích “bắt chước” những ngôi nhà ở đâu đó,  cóp nhặt mỗi nơi một chút rồi đem về nhà mình chứ không phải thiết kế trọn bộ với bản vẽ đồng nhất. Vì vậy, có lẽ điều người dân cần hơn cả là những lời khuyên của KTS, giúp họ lựa chọn những mẫu thiết kế phù hợp với nơi chốn, bối cảnh cụ thể của từng vùng miền. Điều này sẽ giúp người dân hiểu cách lựa chọn nhà ở đầy đủ công năng mà vẫn đáp ứng được thẩm mỹ, phù hợp cảnh quan nông thôn. Đối với riêng Hội KTS Việt Nam, theo tôi đây phải là đơn vị tiên phong và đóng vai trò quan trọng trong việc phát động và tuyên truyền những ý tưởng khả thi đến với người dân cũng như KTS toàn quốc. Truyền thông phải thống nhất, mạch lạc và kiên định từ “cội rễ” để đạt hiệu quả tốt nhất khi truyền tới người dân nông thôn.
 
KTS Nguyễn Thu Phong: Hiện trạng của nhà ở nông thôn là những thách thức để KTS trẻ nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp thiết kế, vật liệu địa phương, góp phần giảm thiểu chi phí xây dựng nhà cho người dân nông thôn. Bên cạnh đó còn cần tìm hiểu người dân, thói quen sinh hoạt và nguyện vọng của họ để tạo ra được những sản phẩm thiết kế hợp lý, tiết kiệm và không xa vời với thực tế xây dựng của dân cư.
 
PV: Ông kỳ vọng như thế nào về kết quả và những đóng góp của giới nghề cho nhà nông thôn Việt Nam?
 
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông: Tôi kỳ vọng vào tính khả thi của các phương án. Thực tế là có rất nhiều cuộc thi đã thành công nhưng lại chưa đem lại ích lợi cho xã hội. Việc áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, kết hợp với tư duy sáng tạo của KTS, tôi hy vọng thông qua cuộc thi, giới nghề sẽ góp phần tích cực trong việc kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng tìm ra được những phương pháp mới, có thể là những cấu kiện trong thiết kế nhà ở nông thôn để người dân được tham gia xây dựng căn nhà của mình, giúp giảm thiểu chi phí và lan tỏa thẩm mỹ kiến trúc đến toàn thể bộ phận dân cư xung quanh.. Điều này sẽ đem đến những suy nghĩ tích cực hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm xã hội của giới KTS Việt Nam. Hơn bao giờ hết, tôi hy vọng các KTS trẻ tham gia nhiều hơn vào cuộc thi cũng như các hoạt động xã hội khác. Nhà ở nông thôn thực sự cần sự chung tay kiến tạo của tất cả chúng ta!
 
KTS. Nguyễn Thu Phong: Việc kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam phụ thuộc vào sự chung tay của rất nhiều đơn vị trong xã hội. Nhân cuộc thi “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”, chúng ta phải cùng đẩy mạnh sự quan tâm của giới làm nghề và xã hội, tìm cách đưa những ý tưởng từ cuộc thi áp dụng được vào thực tế và tạo ra môi trường sống mới, tốt hơn cho người dân. Vì không chỉ giới KTS tác động được vào việc này, mà còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác nữa, nên trước mắt và cấp thiết chúng ta cần phải lan tỏa thông điệp cho cộng đồng rồi mới đi sâu vào những thiết kế cụ thể.
 
PV: Trân trọng Cảm ơn hai Ông!
 
Được biên tập bởi Tạp chí Kiến trúc và Diễn đàn Mái đẹp nhà sang.

Tin liên quan

Tôi muốn tìm