NHÀ Ở NÔNG THÔN MỚI Ở NƯỚC TA

Nhà ở nông thôn truyền thống
 
Trong lịch sử 4000 năm của dân tộc, để thích ứng với điều kiện tự nhiên, ông cha chúng ta đã xây dựng nên những ngôi nhà ở nông thôn bao gồm: nhà chính (thường là ba gian hai trái), nhà phụ (nhà ngang), nhà bếp và chuồng gia súc cùng sân vườn, ao cá, giếng nước hoặc bể nước và hàng rào, tường vây quanh, cổng ngõ. Ngoài yếu tố phong thủy còn mang giá trị nghệ thuật tạo hình và yếu tố khí hậu đặc trưng. Nhà bao giờ cũng quay mặt chính về hướng Nam để đón gió mát về mùa hè và tránh gió lạnh về mùa đông. Lối kiến trúc này thân thiện với con người, với thiên nhiên và với môi trường.
 
Đặc điểm nổi bật là nhà ở nông thôn luôn gắn bó với thiên nhiên, cây cỏ. Ngôi nhà thường nằm lọt giữa vườn cây hoa trái 4 mùa. Cái sân gạch hay sân đất, sân xi măng trải rộng phía trước bao giờ cũng là trung tâm của khu đất ở, tạo ra nét đặc thù khác với nhà ở nông thôn nhiều nước khác. Cái sân gặch mang nhiều chức năng; sinh hoạt, kinh tế, tạo không gian thoáng mát  thân tiện với môi trường, có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, nương tựa vào thiên nhiên, tân dụng những ưu điểm của thiên nhiên , khắc phục các nhược điểm của thiên nhiên để phát triển…
 
Năm 1972, trong một báo cáo khoa học về kiến trúc truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ (cũ), KTS Nguyễn Đức Thiềm có nhận xét rằng, ngôi nhà của nông dân ta là một đơn vị cân bằng sinh thái.
 
Nhà ở nông thôn mới ở châu Âu và Trung Quốc
 
Ngay ở châu Âu hiện đại người ta cũng rất có ý thức trong việc giữ gìn một môi trường nông thôn đã như những gì nó từng có từ 400-500 năm về trước. Môi trường đó ngày ngay nay tuy đã được hiện đại hóa tối đa về cơ sở hạ tầng nhưng sắc thái thôn dã, cái vẻ xưa cũ của vật liệu truyền thống trên từng ngôi nhà con đường vẫn đưa ta trở về quá khứ.
 
Không gian quy hoạch rộng rãi và ngăn nắp tại nông thôn Anh.
 
Ở nông thôn Trung Quốc, bằng việc nâng cao đời sống kinh tế, người dân cần có những điều kiện môi trường và văn hóa tiêu chuẩn cao hơn. Lối sống văn minh đô thị sẽ được nông dân dần dần chấp nhận . Xu hướng đô thị hóa nông thôn sẽ đòi hỏi những hướng đi mới về quy hoặch thiết kế và xây dựng khu phố nhỏ và làng. Tình trạng của các phương tiện đô thị tại các vùng ngoại ô đã được nâng cao trong những năm gần đây, và kết quả là nông dân sẽ xây dựng những căn nhà tầng thay vì nhà theo cách truyền thống. Kiểu nhà nông thôn mới không chỉ nâng cao điều kiện sống của nông dân, mà còn là nơi sinh sống của những cư dân bên trong thành phố những người muốn di dời khỏi nơi mình đang sống.
 
Tại một vài vùng ngoại ô các thanh phố của Trung Quốc đã được phát triển rõ rệt, nhà tầng và nhà hộ riêng đều do những nông dân giàu có xây dựng. Kiểu nhà tầng nông thôn mới vẫn giữ cho phong cảnh nông thôn thơ mộng, những cũng bị những cơ quan quy hoạch chỉ trích vì chiếm nhiều đất!
 
Đô thị hóa nông thôn hướng đến xây dựng nông thôn mới cần phải trở thành nhận thức chung là không chỉ là sự mở rộng về quy mô, và tăng trưởng về dân số huyện lỵ, thị trấn mà còn là sự tăng trưởng phát triển cân đối phồn vinh về kinh tế, tiến bộ toàn diện về xã hội, môi trường và văn hóa. Quy hoạch hệ thống thị trấn phải được dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế và phân bố lực lượng sản xuất nơi đó. Đô thị hóa nông thôn phải có mục đích cơ bản là thúc đẩy dân số nông thôn tập trung lại. Dân số tập trung lại khiến cho cộng đồng dân cư của các thị trấn mở rộng, công năng của chúng được tăng cường, từ đó thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển, lại tăng cường khả năng thu hút hơn nữa sức lao động dư thừa của nông thôn và sức lao động bên ngoài, khiến cho việc di chuyển dân số và sắp xếp việc làm đi vào quỹ đạo tốt đẹp, giành được hiệu quả cao.
 
Công cuộc xây dựng đô thị hóa nông thôn cần mang màu sắc riêng của Trung Quốc. Khi xây dựng các thị trấn nhỏ, cần phải áp dụng phương châm kết hợp cảnh quan cổ xưa của các điển hình kiến trúc và mở mang cảnh quan nhân văn, thể hiện bản sắc riêng của Trung Quốc. Nhà quy hoặch đô thị Mỹ Edmund Pegon nói “Những gì hiện đại nhất của Mỹ ngày hôm nay ngày mai Trung Quốc sẽ có. Nhưng những văn vật và thành phố nổi tiếng về văn hóa lịch sử của Trung Quốc do các văn vật đó để lại thì Mỹ mãi mãi không thể có được”.
 
Quy hoạch xây dựng thị trấn nhỏ phải theo hướng đô thị hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa phải cố gắng nâng cao chất lượng môi trường sinh thái. Để thích ứng với quá trình đô thị hóa bố cục xây dựng thị trấn cần phải tập trung môt cách khoa học hợp lý thể hiện đầy đủ tính kinh tế của đất xây dựng thị trấn cho đủ các loại công trình.
 
Hiện đại hóa chủ yếu thể hiện ở sự hiện đại hóa các công trình kết cấu hạ tầng, quan niệm hiện đại hóa trong đô thị hóa chú trọng cả 3 mặt: công trình hài hòa với thiên nhiên, môi trường tốt đẹp tỷ lệ cây xanh từ 30-40% và hiện đại hóa biện pháp quản lý ứng dụng công nghệ thông tin. Không rập khuôn các thành phố trung tâm là xây dựng nhiều nhà cao tầng biến mỗi thị trấn nông thôn thành một “tấm bê tông lớn”!
 
Xã hội hóa sẽ mạnh mẽ ở 2 khía cạnh cụ thể là xã hội hóa các công trình phục vụ và xã hội hóa phương thức xây dựng. Trong đó nhấn mạnh yếu tố “Quy hoạch thống nhất, bố cục hợp lý, phù hợp với địa phương, có nét đặc sắc, bảo vệ đất canh tác, tối ưu hóa môi trường, mở mang tổng hợp xây dựng đồng bộ”.
 
Tăng cường quan niệm đô thị là coi trọng văn minh tinh thần. Đô thị hóa nông thôn là một cuộc cách mạng, cải tạo và giáo dục nông dân thay đổi ý thức tiểu nông, thể hiện rõ sự quản lý dựa vào pháp luật với hiệu quả cao là công việc rất khó. Ý thức tiểu nông không thể làm được đô thị hóa, phải giải phóng tư tưởng, mở rộng tầm mắt hơn nữa, phải tăng cường ý thức đô thị.
 
Tăng cường cải cách, hoàn thiện chính sách là sự bảo đảm cho công tác thí điểm đô thị hóa nông thôn. Cần triệt để phá bỏ sự ngăn cách về thể chế giữa thành thị và nông thôn, tạo môi trường thoáng rộng cho các thị trấn nhỏ phát triển. Đất đai là tài nguyên cho con người sinh tồn, nó không thể tái sinh. Tiết kiệm đất xây dựng, bảo vệ đất đai canh tác là trách nhiệm của chúng ta. Kinh doanh mở rộng đất đai là nguồn tiền vốn chủ yếu xây dựng các thị trấn nhỏ.
 
Trung Quốc đã đề ra các nhiệm vụ chính để tăng lợi nhuận cho nông dân và các biện pháp có lợi cho nông dân để phát triển nông nghiệp hiện đại. Có thể điểm qua một số nội dung chính của các giải pháp đó là: Nhà nước đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, ngân sách cho phát triển nông thôn tăng lên. Xây dựng một cơ chế để công nghiệp và đô thị thúc đẩy phát triển nông thôn. Sự phân phối thu nhập quốc dân sẽ được điều chỉnh để cho việc tiêu thụ thuế, đầu tư ngân sách, tài sản cố định và tín dụng sẽ tăng cho nông nghiệp và nông thôn. Hỗ trợ từ vốn nhà nước sẽ lớn và tăng liên tục. Phần lớn trái phiếu, vốn ngân sách sẽ đi về phát triển nông thôn. Đặc biệt đầu tư để cải tiến sản xuất và điều kiện sống sẽ trở thành một luồng ổn định để tăng vốn cho xây dựng. Sẽ có các quy định để đảm bảo, điều tiết thu nhập thuế đất cho việc phát triển đất nông nghiệp. Phí thu từ sử dụng đất sẽ được dùng chủ yếu vào các dự án phát triển đất nông nghiệp nhỏ và bảo vệ tài nguyên nước. Chính phủ sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng cần cấp thiết cho đời sống nông dân.
 
Trung Quốc đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng vẫn triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới với mục tiêu môi trường cảnh quan từng địa phương phải được đảm bảo truyền thống lịch sử văn hóa được giữ gìn nhưng có đời sống sinh hoạt ngang thành thị. Nhà nước ít khi dùng chỉ thị mà chuyển sang thương lượng dân chủ để nông thôn phát triển tùy theo khả năng và đặc điểm riêng, nhà nước chỉ hỗ trợ bằng các dự án.
 
Chính phủ sẽ ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng cần cấp thiết cho đời sống nông dân. Chương trình nước sạch sẽ được thực hiện nhanh hơn, trước hết ở các vùng nước bị ô nhiễm. Năng lượng sạch sẽ được áp dụng rộng rãi. Mạng lưới điện nông thôn sẽ được nâng cấp. Xây dựng đường nông thôn sẽ được xúc tiến. Nhà nước đầu tư nâng cấp các trường nông thôn. Hiện nay có nhu cầu phải quy hoạch lại nông thôn để xây dựng một xã hội khá giả. Phải bảo vệ đất xây dựng ở nông thôn. Nhà nước sẽ giúp nông dân miễn phí trong việc bố trí lại nhà.
 
Nhiều đồng ruộng bị giải phóng mặt bằng làm KCN, thậm chí có cả thôn xã bị di dời toàn bộ để trở thành KCN hay khu đô thị mới. Người nông dân được di dời đến khu đô thị mới do nhà nước hoặc doanh nghiệp bố trí tái định cư. Nhà cửa được định cư mới do nhà nước bỏ tiền ngân sách ra xây và giao cho nông dân sở hữu nhưng không được chuyển nhượng với chất lượng nhà khá và tốt. Trước khi giải phóng mặt bằng để làm KCN theo quy hoạch, chính quyền đã tổ chức họp bàn với toàn thể đại diện các hộ dân trong thôn, giải quyết mọi mặt các thủ tục, chính sách khi người dân bị thu hồi đất. Tiếp đó, chính quyền và doanh nghiệp đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các đối tượng trong độ tuổi lao động thật nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cùng nhà nước triển khai nhanh chóng việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho khu định cư mới. Khu định cư mới phải đảm bảo có đầy đủ các dịch vụ “điện, đường, trường, trạm”, nếu không đầy đủ những thứ đó, người dân có quyền không đi mà chính quyền không được cưỡng chế.
 
Ngôi nhà định cư của thị dân được thiết kế 3 tầng, tầng một là phòng khách, bếp và một phòng ngủ. Tầng hai và tầng ba là các phòng riêng của những thành viên trong gia đình. Tổng diện tích sử dụng khoảng 250m2 cho một gia đình. Trong ngôi nhà có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt của một gia đình trung lưu. Tuy nhiên, cũng có những trăn trở về vấn đề khi nông dân đang trở thành thị dân, để có nếp sống văn minh đô thị, người nông dân phải có quá trình dài.
 
Trung Quốc đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng vẫn triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới với mục tiêu môi trường cảnh quan từng địa phương phải được đảm bảo truyền thống lịch sử văn hóa được giữ gìn nhưng có đời sống sinh hoạt ngang thành thị. Nhà nước ít khi dùng chỉ thị mà chuyển sang thương lượng dân chủ để nông thôn phát triển tùy theo khả năng và đặc điểm riêng, nhà nước chỉ hỗ trợ bằng các dự án.
 
Xét về khía cạnh phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. Đây chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để có thể áp dụng xây dựng một chính sách điều tiết quá trình đô thị hóa và phát triển nông thôn ven đô một cách toàn diện, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 
Nhà ở nông thôn mới ở nước ta
 
Năm 2018, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có ý kiến chỉ đạo về vấn đề nhà ở nông thôn với mong muốn: “Hội KTS và giới KTS Việt Nam đi tiên phong, định hướng cho kiến trúc Việt Nam xanh, sạch, đẹp, hiện đại, tiện nghi, tạo dựng không gian sống nhân văn, an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường và xã hội cho nhân dân trước những bất ổn biến đổi về môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu và nước ta là một trong những nước phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất.
 
Nghiên cứu, thiết kế, tìm ra những kiến trúc phù hợp cho vùng nông thôn vừa rẻ, vừa sáng sủa, giản dị, những kiểu nhà sống chung với lũ… đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương cũng như cả nước”.
 
Ở nước ta, trong thời kỳ đổi mới, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bằng việc nâng cao kinh tế đời sống, người nông dân cần có điều kiện về môi trường văn hóa tiêu chuẩn cao hơn. Lối sống văn minh đô thị sẽ được nông dân dần dần chấp thuận, nhà tranh tre dần được ngói hóa và nâng tầng cao.
 
Do vậy, vẫn cần có ý thức giữ gìn môi trường sống thơ mộng với con đường làng quanh co, uốn lượn đưa ta trực tiếp về quá khứ đã có hàng ngàn năm. Sinh thái nông thôn hiện nay đang là hình mẫu cho các đô thị đang phải đương đầu với tất cả các hậu quả về dân số, chất thải, khí thải nhà kính v.v. Tuy nhiên ở nông thôn cần hiện đại hóa tối đa các dịch vụ như: điện nước, truyền hình cáp, điện thoại, internet tốc độ cao, hệ thống dịch vụ tiêu dùng, các siêu thị mini, các trạm xe buýt công cộng…
 
Nhà ở nông thôn không nhất thiết là nhà theo kiểu truyền thống. Những nông dân giàu có hoặc có nhu cầu tăng diện tích, kế thừa từ tính chất gia đình đa thế hệ, có thể xây nhà tầng trên nền đất cũ song  cũng cần giữ lấy cảnh quan sân vườn và lưu giữ những nét đẹp của ngôi nhà truyền thống. Quy hoạch nhà ở nông thôn mới phải nhằm giữ lại tính chất diện mạo của thôn xóm (sự tập hợp nhà ở, vât liệu, màu sắc..), giúp hiện đại hóa nhà ở tạo lập các trang bị công cộng của đời sống hiện đại, như đưa vào môi trường nông thôn các hoạt động mới về tiểu công nghệ, đẩy mạnh du lịch nông thôn, một loại hình du lịch luôn tôn trọng truyền thống và khung cảnh địa phương.
 
Tuy nhiên nhà tầng ở nông thôn, dù là nhà tầng cũng vẫn phải là kiến trúc mở, kiến trúc sinh thái, kiến trúc xanh không có giới hạn giữa nội và ngoại thất, con người sống gần gũi với thiên nhiên. Khai thác tối đa điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta để giải quyết vấn đề thông gió tự nhiên và chiếu sáng tự nhiên cho công trình, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng nhân tạo, thân thiện với môi trường và có bản sắc riêng. Nhà nông thôn là mt đơn v cân bng sinh thái. Kiểu nhà nông thôn mới này vẫn cần giữ được cảnh quan thơ mộng (không nên chia lô xây nhà ống cao tầng như tại các đô thị).
 
 
Về vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn mới thì ngoài vật liệu xây dựng truyền thống, có thể sử dụng các vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường và các trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho đời sống của người dân. Đối với không gian truyền thống như không gian ở, các công trình công cộng, đường xá v.v.. nên giữ như thời xưa bởi nếu phá đi rồi thì không thể nào làm lại được. Không gian truyền thống nêu trên đã trở thành di sản qúy báu của làng xã Việt Nam.
 
Nói tóm lại, nông thôn không bị cuốn trôi theo theo tiến trình đô thị hóa mà là một hình ảnh hoàn hảo hơn cuả truyền thống. Cách làm này cho ta thấy dường như trong quá khứ ông cha ta đã xây dựng nên những môi trường sống thôn quê có bản sắc riêng mà khi gắn với các sản phẩm kỹ thuật của nền văn minh đương đại càng làm tăng thêm vẻ đẹp của bản sắc vốn có.
 
Trái với quy hoặch nhà ở nông thôn mới, quy hoạch nông thôn nói chung là một khái niệm rộng hơn. Nó cũng liên quan đến các quy hoặch làm tăng sức sản xuất nông nghiệp (hệ thống kênh mương, hệ thống tưới tiêu...) và nếu cần thì biến đổi cả phong cảnh: tập trung ruộng đất, phục hồi dất đai, trồng cây gây rừng…
 
Nhà ở nông thôn vùng lũ lụt : Do tình trạng lũ lụt thường xuyên xảy ra, tại nông thôn nước ta nhất là ở miền Trung và Đồng Bằng Sông Cửu Long  trong giai đoạn biến đổi khí hậu lũ lụt ngày càng dữ dội, ngoài các khu dân cư vượt lũ, cần cải cách nhà ở nông thông ở những vùng dễ ngập lụt cho phù hợp với điều kiện lũ lụt.
 
 
- Nhà trên cột trụ
Nhà ở cho đồng bào thường xuyên bị lũ lụt ngập nước, nhà ở cho vùng trung du đồi núi có độ dốc lớn, các công trình đối phó với biến đổi khí hậu khi nước biển dâng cao, phải học tập Le Corbusier (Kiến trúc sư nổi tiếng tiếng thế giới người Thụy sĩ có quốc tịch Pháp là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trào lưu Kiến trúc hiện đại của thế lỷ XX) với những ngôi nhà  được dựng lên bằng các cột bê tông cốt thép với tầng 1 để trống.
Ở nước ta có thể làm theo kiểu nhà sàn của dân tộc ít người, theo kiểu nhà trên cột trụ, nên đúc sẵn các chân cột nhà để chôn xuống đất rồi dựng nhà lên trên, vừa có tác dụng chống lún cho nhà vừa giữ cho các cột không bị gió và giòng nước xô nhổ đi.
 
Trước tiên cần làm bền chắc phần cột trụ, phần trên có thể là bán kiên cố, để có chỗ bám trụ khi lũ lụt dâng cao. Không phải chạy lũ và có thể sống chung với lũ lụt. Làm giàu rồi sẽ làm kiên cố dần phần trên.
 
- Nhà chòi
Nhà chòi là giải pháp phù hợp với những hộ kinh tế có hạn vì chỉ cần làm gác ở 1 gian trái của ngôi  nhà hiện có cũng đủ để tránh lũ lụt tại chỗ với cầu thang ở đầu hồi nhà. Hiện nay Bộ Xây dựng cũng đang hỗ trợ cho người dân nghèo miền Trung theo mẫu “nhà chòi” chống lũ lụt.
 
Tài liệu tham khảo
- Đô thị hôm qua hôm nay và ngày mai_Trương Quang Thao, NXB Xây Dựng 1988
- Kiến trúc Việt Nam các dòng tiêu biểu_Nguyễn Khởi, Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM, 1999
- Kiến trúc, quy hoặch nông thôn đổi mới_Kiến trúc Việt Nam, số 11/2008
- Phương pháp tiếp cận mới về quy hoặch và quản lý đô thi_Nguyễn Đăng Sơn, NXB Xây Dựng 2005,Tập 2 2006
- Bejing Metropolitan Region, China_Mao Qizhi, 2008
- Nhà ở vùng gió bão_Kiến trúc Việt Nam, số 12/2010
- Thay đổi cách xây nhà vùng chống lũ: Nguyễn Đăng Sơn, Báp Tuổi Trẻ năm 2010
- Nếp nhà quê_TC Địa Ốc Việt Nam số/2012
- Xây dựng và Trăn trở_Nguyễn Xuân Hải, NXB Xây Dựng 2012
- Xây nhà có gác tránh lũ_Nguyễn Đăng Sơn, Báo Tuổi Trẻ, ngày 10/11/2013
- Mô hình đô thị làng quê ở Trung Quốc_Nguyễn Đăng Sơn, TCKT VN  tháng 4/2014
 
Nguyễn Đăng Sơn
Phó Viện trưởngViện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng

 

Tin liên quan

Tôi muốn tìm